Giáo viên tổ Vật lí có nhiệm vụ phát triển các kỹ năng của học sinh phổ thông ở trình độ cao, phù hợp với khả năng trí tuệ của các em và giáo dục thái độ tự học, tư duy sáng tạo.
Cô ĐỖ TRẦN NGỌC KHÁNH
(Tổ trưởng tổ Vật lí – Công nghệ)
Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi có năng khiếu vật lí là một yêu cầu cực kỳ quan trọng ở trường chuyên. Nói chung, đây là một quá trình mang tính khoa học nghiêm túc, có định hướng và có tính chiến lược lâu dài. Giáo viên tổ Vật lí có nhiệm vụ phát triển các kỹ năng của học sinh phổ thông ở trình độ cao, phù hợp với khả năng trí tuệ của các em và giáo dục thái độ tự học, tư duy sáng tạo. Đối với Vật lí, kỹ năng đầu tiên là phải có tư duy tốt về toán học, sau đó là tư duy về hiện tượng một cách sâu sắc.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin trao đổi cùng các bạn đồng nghiệp một vài vấn đề xoay quanh công tác giảng dạy môn Vật lí và bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lí ở trường THPT chuyên Lý Tự Trọng – thành phố Cần Thơ.
Tìm học sinh có năng khiếu Vật lí là khâu quan trọng. Trên bục giảng, người thầy ở cấp cơ sở phải nuôi dưỡng tình yêu Vật lí của các em và tổ chức bồi dưỡng từng bước. Thi tuyển vào lớp 10 trường chuyên là một bước tiếp nối để chọn đúng những em có năng khiếu, đam mê thật sự. Trong những năm gần đây, trường chuyên Lý Tự Trọng – Cần Thơ đã làm công tác “Tư vấn tuyển sinh vào lớp 10” và đã có hiệu quả thiết thực. “Đội mạnh” về Vật lí thường là những em ở các trường THCS Trà An, THCS Đoàn Thị Điểm, THCS Lương Thế Vinh.
Chức năng giáo dục là thành phần không thể thiếu trong dạy học Vật lí. Sự phát triển mạnh mẽ của Vật lí học ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội. Vì vậy, tổ chức học tập, chất lượng đội ngũ giáo viên và thiết kế một chương trình đạo tạo hiệu quả là những mắt xích quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Việc tổ chức giảng dạy Vật lí, quan trọng nhất là rèn luyện kỹ năng, dạy về tình yêu đối với Vật lí. Học sinh phải thấy được cái đẹp của Vật lí, yêu thích và đam mê. Rèn kỹ năng phải theo từng mức độ, tăng dần từ cơ bản đến nâng cao chứ không phải cứ học chuyên Vật lí là giải những bài toán Vật lí khó. Thực tế, ở lớp 10 học sinh rất bỡ ngỡ bởi cách học rất khác so với cách học ở bậc Trung học cơ sở. Vì vậy, cần kiên trì hướng dẫn cụ thể từng giai đọan. Chẳng hạn, hướng dẫn về tài liệu, về cách tìm thông tin qua mạng, về cách tự học, cách phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề và khái quát hóa vấn đề,…
Để đánh giá học sinh, khâu tổ chức kiểm tra để phân loại học sinh là cần thiết. Đề kiểm tra chuyên Vật lí phải thể hiện ba cấp độ kiến thức nền, trung bình – khá và khá – giỏi. Từ đó chọn ra một đội tuyển gồm các em tiêu biểu tham gia vào các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lí.
Khi đã trang bị cho học sinh khá tốt kiến thức về Toán học cũng như Vật lí, giáo viên sẽ giao một số chuyên đề Vật lí hay cho học sinh hoặc nhóm học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu và viết bài. Mỗi giáo viên sẽ phụ trách một vài nhóm, hướng dẫn, thẩm định và đánh giá. Trong 3 năm học ở bậc THPT, tối thiểu một học sinh hay nhóm học sinh phải viết được 1 – 2 chuyên đề. Những chuyên đề xuất sắc được giáo viên chọn lọc sẽ được báo cáo trước “hội đồng” – là toàn thể học sinh chuyên Vật lí và thầy cô. Mỗi học sinh có thể xử lý mọi tình huống thông qua các câu hỏi phản biện của giáo viên. Khai thác tích cực thế mạnh của mỗi cá nhân và kỹ năng làm việc nhóm. Mỗi nhóm học tập là một tập thể mà trong đó: “Một người vì mọi người và mọi người vì một người”. Đây được xem như là một hoạt động thường xuyên của môn Vật lí nhằm rèn luyện và phát huy kỹ năng giao tiếp, ứng xử trước đám đông. Bước đầu hình thành cho học sinh kỹ năng thu thập và chọn lọc thông tin, cách viết một tiểu luận, một bài báo,… Tóm lại, điều này mang đến hiệu quả rõ rệt, học sinh trở nên tự tin hơn trước mọi người, có thể mạnh dạn nêu ra những chính kiến của mình. Phụ huynh học sinh cũng hưởng ứng nhiệt tình, tạo mọi điều kiện để học sinh hoàn thành bài viết tốt nhất. Trong thời gian qua, các nhóm chuyên Vật lí đã viết trên 100 chuyên đề thuộc các lĩnh vực khác nhau của Vật lí như: Vật lí thiên văn, Vật lí toán, Cơ học, Quang học, Điện học,… ngoài ra còn tham gia nghiên cứu các dự án khoa học tham gia thi cấp thành phố, cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, đội tuyển học sinh giỏi và cả giáo viên dạy chuyên còn được học hỏi các chuyên đề Vật lí hay bởi một số chuyên gia đầu ngành do trường, Sở tổ chức hàng năm. Năm 2013, Giáo Sư Tô Giang, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng về cơ vật rắn. Năm 2014, thầy Nguyễn Công Toản, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, giảng về dao động điện từ. Năm 2015, thầy Phạm Vũ Kim Hoàng, giáo viên phụ trách đội tuyển quốc gia – quốc tế trường Năng khiếu thành phố Hồ Chí Minh giảng về đề thi quốc gia,…
Giáo Sư Tô Giang và đội tuyển HSG quốc gia năm 2013
Việc tổ chức học tập môn Vật lí hay học bồi dưỡng Vật lí chuyên sâu, học sinh phải có trách nhiệm trong việc học tập, rèn luyện của mình. Ngoài việc học tập trên lớp các giờ chính khóa, học sinh phải tham gia đầy đủ các buổi học bồi dưỡng ngoài giờ, tham gia giải các bài tập trong sách nâng cao, trong các chuyên đề, trong các tài liệu tham khảo, nghiên cứu và giải các đề thi trên mạng hay Tạp chí trong và ngoài nước. Bộ sách mà học sinh chuyên Lí nào cũng có là bộ sách giải toán Vật lí của tác giả Bùi Quang Hân. Học sinh còn thể hiện lòng say mê đối với Vật lí thực nghiệm, gần như mỗi chuyên đề đều được trang bị bài thực hành Vật lí. Qua đó rèn luyện rất nhiều kỹ năng của học sinh Vật lí như rất ngăn nắp, cẩn thận, tỉ mỉ, khéo léo, chăm chỉ,… Từ những thí nghiệm, học sinh kiểm chứng và sáng tạo nhiều đồ chơi Vật lí,... hoặc chế tạo rô–bót đơn giản, chế tạo pin, động cơ mini,… Tập tành nghiên cứu là một việc làm đầy thú vị đối với học sinh chuyên Lí.
Đặc thù riêng của môn học Vật lí là dựa vào Toán học để giải quyết các bài toán Vật lí. Các thuật toán như đạo hàm, tích phân, véc–tơ, lượng giác,… giáo viên Vật lí phải bổ túc cho học sinh ở một mức độ phù hợp đáp ứng yêu cầu giải toán Vật lí. Bằng cách đó học sinh giải quyết các bài toán Vật lí với cái nhìn tổng thể hơn từ cái phức tạp nhất đến cái đơn giản nhất.
Thông thường mỗi học sinh chuyên Vật lí có một tập tư liệu rất quý giá. Ở đó bao gồm rất nhiều kiến thức mà các em thu được từ các đề thi, bài tập trên các báo, nhất là bài tập hay trong Tạp chí Vật lí tuổi trẻ, thông tin Vật lí trên các website,… Những ghi chép này rất bổ ích trong học tập, rèn luyện của các em.
Ngoài ra, các học sinh chuyên Lí còn tích cực, chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí và rèn luyện kỹ năng sống như: sinh hoạt Câu lạc bộ Vật lí, tham quan du lịch sau mỗi đợt thi căng thẳng, giao lưu văn nghệ, thể thao, thi học sinh Thanh lịch, Học sinh thân thiện, Hùng biện, hoạt động từ thiện,…
Câu lạc bộ Vật lí năm 2015
Đội ngũ giáo viên giảng dạy Vật lí là yếu tố quyết định – Kiến thức để bồi dưỡng học sinh chuyên, học sinh giỏi có tính chuyên sâu, độ khó cao, tính bao quát rộng nên mỗi lớp chuyên Vật lí thường có nhiều giáo viên tham gia và mỗi giáo viên phụ trách từng mảng chuyên đề để dễ nghiên cứu và giảng dạy có chất lượng. Đội ngũ giáo viên dạy chuyên hay dạy học sinh giỏi được nhà trường chọn lọc, là đội ngũ ưu tú nhất. Thông thường, giảng dạy ở lớp Vật lí chuyên có ít nhất 2 giáo viên phụ trách – trong đó có một giáo viên phụ trách chính về đội tuyển học sinh giỏi. Dạy chuyên hay dạy học sinh giỏi đều đòi hỏi người giáo viên “hy sinh” rất nhiều về thời gian và công sức.
Giáo viên tổ Vật lí – Công nghệ năm học 2014 – 2015
Học sinh học Vật lí thường than khó, học Vật lí chuyên sâu càng khó hơn. Do vậy vai trò của người Thầy hết sức quan trọng, phải đưa kiến thức đến các em một cách tự nhiên, chủ động và sáng tạo. Học Vật lí là tìm hiểu về hiện tượng và bản chất vật lí, ý nghĩa vật lí. Nói chung là phải rèn luyện rất nhiều, từ cách đọc sách và tìm tài liệu, cách mở rộng và khai thác bản chất vật lí của một hiện tượng cho đến cách ôn tập chuẩn bị một kỳ thi. Người Thầy phải luôn thắp sáng ngọn lửa mê say môn học mà học sinh đang theo đuổi, phải dạy cho các em biến ước mơ thành hiện thực, biết chấp nhận khó khăn để cố gắng vượt qua, biết rút kinh nghiệm sau những thất bại hay thành công trong từng giai đoạn mà mình phấn đấu. Vì thế áp lực trong học tập là điều không tránh khỏi, do đó giáo viên khi giảng dạy phải lưu ý để giảm tối đa sức ép cho học sinh bằng cách: không nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, không giao việc quá sức học sinh.
Phương pháp giảng dạy được xem là kết quả của quá trình đứng trên bục giảng, là tổng hợp tiềm năng, công sức và trí tuệ của người Thầy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên Vật lí của trường luôn trang bị kiến thức bằng việc tự học, tự nghiên cứu, thường xuyên tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy theo kinh nghiệm của từng người. Viết chuyên đề là việc làm thường xuyên, gắn bó với giáo viên dạy chuyên. Trung bình mỗi năm mỗi giáo viên viết 1–2 chuyên đề phục vụ cho công tác giảng dạy chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhà trường khích lệ theo hướng tích cực, kích thích tư duy độc lập sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học của giáo viên. Để có một đội ngũ giảng dạy đạt yêu cầu là điều phải phấn đấu lâu dài, bằng các bước đi thích hợp và theo một lộ trình nhất định.
Cơ sở vật chất: để học tốt môn chuyên không thể không nói đến nguồn tài liệu. Nhà trường xây dựng tủ sách dành riêng cho việc dạy, học môn chuyên Vật lí và bồi dưỡng học sinh giỏi trong đó bao gồm các tài liệu giảng dạy của giáo viên, tài liệu học tập của học sinh, các tài liệu tham khảo, nghiên cứu trong và ngoài nước, các chuyên đề do học sinh viết. Phòng thực hành Vật lí hiện nay được trang bị khá tốt, gần như đầy đủ các thiết bị hiện đại đáp ứng cho công tác thực hành bộ môn.
Những khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng học sinh giỏi Vật lí cũng không phải là ít. Chẳng hạn,
sự đầu tư cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lí của giáo viên còn hạn chế bởi việc tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng đòi hỏi nhiều thời gian và tâm huyết. Vẫn còn những giáo viên giỏi về Vật lí nhưng chưa thật mặn mà với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi vì nhiều lí do khác nhau.
Với lượng kiến thức Vật lí chuyên quá lớn, quy mô giờ dạy lại ít nên giáo viên gặp không ít khó khăn khi giảng dạy. Tổ bộ môn tổ chức rút kinh nghiệm qua từng năm, từng bước hoàn thiện chương trình sao cho đảm bảo về kiến thức lẫn chất lượng dạy học.
Một số học sinh và cả phụ huynh chưa chuyên tâm đầu tư cho Kỳ thi HSG quốc gia.
Việc phát hiện năng khiếu Vật lí nói chung ở bậc THPT thật ra là quá trễ trong công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh chuyên, học sinh giỏi. Tìm một em học sinh có năng khiếu Vật lí đã khó, hướng dẫn học sinh này đi cùng Vật lí lại càng khó hơn, nhất là sau khi học xong bậc phổ thông.
TÓM LẠI:
Phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi có năng khiếu Vật lí cần sự đầu tư một cách lâu dài ở rất nhiều khâu quan trọng. Từ việc tìm học sinh có năng khiếu đến việc tổ chức dạy – học Vật lí, đội ngũ giáo viên Vật lí ưu tú, điều kiện học tập,… phải chấp nhận những thử thách và vượt qua những khó khăn, mỗi khâu là một mắt xích liên hệ chặt chẽ với nhau. Cả thầy và trò phải thật sự xuất sắc. Nguồn tài nguyên bao gồm tài liệu học Vật lí và điều kiện học tập khác phải thật sự dồi dào.
Hầu hết các em học sinh chuyên Vật lí đều rất thành đạt sau khi rời ghế nhà trường. Ở lớp chuyên Vật lí đa số các em đậu Đại học ở nguyện vọng I, còn lại một vài em đậu Đại học ở nguyện vọng II. Một điều rất tự hào là một số học sinh chuyên Vật lí trở thành những nghiên cứu sinh trong và ngoài nước ở các ngành khoa học – công nghệ. Có những em đã có học vị xứng đáng và đang giữ những vị trí chủ chốt ở các Trường Đại học và các ngành khoa học trong và ngoài nước. Đó là một minh chứng hùng hồn khẳng định việc tìm và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu Vật lí là cần thiết và rất thành công.
“Học vấn là những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả của nó lại ngọt ngào”. Sự khổ luyện trong học tập là một quá trình tích lũy kiến thức sẽ đem lại tương lai tươi sáng. Vật lí là một trong những nhân tố xây dựng công trình tương lai đó. Bên cạnh những khó khăn nhất định, vẫn còn những việc chưa làm được nhưng cả thầy và trò tổ Vật lí – Công nghệ luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình vì một ngày mai tươi đẹp./.