Tổ Lịch sử - GDCD

Tổ Lịch sử - GDCD
Tổ Lịch sử - GDCD
Tổ Lịch sử – GDCD thật sự là một mái ấm, nơi ươm mầm hạnh phúc, gắn kết yêu thương và chắp cánh ước mơ thế hệ trẻ.

TỔ LỊCH SỬ – GIÁO DỤC CÔNG DÂN, MÁI NHÀ YÊU THƯƠNG

Thầy ĐOÀN VĂN THANH
(Tổ trưởng tổ Lịch sử – Giáo dục công dân)

25 năm… là khoảng thời gian khá ngắn so với chặng đường phát triển của ngành giáo dục thành phố Cần Thơ; nhưng 25 năm là khoảng thời gian đủ dài minh chứng cho sự trưởng thành, phát triển, gắn kết, sẻ chia và thấu hiểu của Thầy – Trò thuộc tổ Lịch sử – GDCD trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.
Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng được thành lập năm 1990, lúc đó bộ môn Lịch sử chỉ có hai giáo viên thuộc tổ Xã hội. Một giáo viên Ngữ văn được phân công giảng dạy môn Giáo dục công dân (GDCD). Trong những tháng ngày đầu tiên đầy khó khăn ấy, cô Trương Ngọc Dung và thầy Giao Ngọc Lan là những người tiên phong xây dựng bộ môn và mang về những thành tích học sinh giỏi (HSG) quốc gia đầu tiên.
Tổ Lịch sử – GDCD chúng tôi ghi dấu sự phấn đấu không mệt mỏi của cô nữ sinh Đại học Tổng hợp Hà Nội tài hoa, duyên dáng, người đã gắn bó cả sự nghiệp giáo dục của mình xây dựng ngôi nhà chung Lịch sử – GDCD. Cô Trương Ngọc Dung – một cánh chim không mỏi trên mọi mặt trận: giảng dạy, công tác Công đoàn, Đoàn thanh niên, bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng HSG các cấp… Đối với chúng tôi, cô không chỉ là một Tổ trưởng chuyên môn, mà còn là người Thầy, người Chị, người Bạn, người Mẹ. Cô là người đã dành cả một buổi sáng chỉnh sửa giáo án, hướng dẫn tác phong đi đứng, cách sử dụng phấn màu trong bài giảng, nghệ thuật khuyến khích, động viên khi học sinh trả lời tốt…; Người sẵn sàng vào bệnh viện lúc giữa khuya chăm sóc đồng nghiệp ốm đau, người vượt hơn 150 cây số thăm nhà đồng nghiệp gặp khó khăn, người sẵn sàng từ thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ trong một buổi chiều để giúp Đoàn thanh niên làm Ban giám khảo…; Người yêu thương chúng tôi như một người Mẹ, quan tâm, chăm sóc học sinh như con ruột của mình, người đề nghị đồng nghiệp trẻ góp 10 nghìn, 20 nghìn tượng trưng trong bữa tiệc liên hoan vì …tiền lương còn thấp; Người giành phần chi trả trong những buổi ăn uống ở căn tin với lí do…lương cô cao nhất so với mọi người… Trong hơn 20 năm gắn bó với trường, cô đã đào tạo nhiều giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, gần 30 HSG cấp quốc gia (với nhiều giải II, III), hàng trăm HSG Olympic truyền thống 30.4, HSG Đồng bằng sông Cửu Long, HSG thành phố… Nghỉ hưu từ năm 2012, ngoài những thành tích xuất sắc, ngoài rất nhiều những danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Bằng khen UBND thành phố, cô Trương Ngọc Dung đã để lại cho tổ Lịch sử – GDCD một tài sản vô giá – MÁI NHÀ YÊU THƯƠNG mang tên gia đình Lịch sử – GDCD do cô gầy dựng mãi là niềm tự hào của thầy trò trường THPT chuyên Lý Tự Trọng.
Trong chặng đường phát triển của mình, chúng tôi mãi nhớ về thầy Giao Ngọc Lan (1950 – 2012) – người thầy tài hoa, cần mẫn. Trang giáo án của thầy là những chữ viết tay tỉ mỉ, chằng chịt những sự điều chỉnh bổ sung, vì đối với thầy mọi học sinh đều khác, mọi lớp học đều khác, vươn đến sự hoàn thiện là điều thầy luôn trăn trở. Sự miệt mài giảng dạy, sự chu đáo, tỉ mỉ chăm sóc gia đình của thầy là điều tổ Lịch sử – GDCD chúng tôi luôn ngưỡng mộ và tự hào. Nước mắt chúng tôi đã rơi khi chứng kiến thầy chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác; nước mắt chúng tôi đã rơi khi thầy không còn lên bục giảng; nước mắt chúng tôi rơi khi thầy gắng gượng đến trường bên chiếc gậy dự Lễ kỉ niệm 20 năm thành lập trường và chụp ảnh lưu niệm với tổ; nước mắt chúng tôi rơi khi thầy nhắc đến sự qua đời đột ngột vì bạo bệnh của cô Nguyễn Thị Ngọc Hà trước đó vài tháng…
sugdcd1
Tổ Lịch sử – GDCD nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1990 – 2010)
 
Trong mười năm công tác tại trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, chung tay xây dựng mái nhà chung Lịch sử – GDCD, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà (1959 – 2010) với vai trò là Tổ phó chuyên môn, Tổ trưởng công đoàn, cô luôn quan tâm đến mọi thành viên. Giọng nói ngọt ngào, nhỏ nhẹ, tác phong khoan thai, dịu dàng của cô luôn để lại ấn tượng tốt trong lòng mọi người. Nhắc về cô, chúng tôi rất nhớ về buổi Lễ tổng kết năm học 2008 – 2009, nhiều học sinh đã khóc trước những lời dặn dò chân tình của cô khi chia tay khối 12, bởi những lời dặn dò ấy phát xuất từ trái tim người mẹ đã hi sinh cả cuộc đời mình nuôi con khôn lớn. Nhắc về cô chúng tôi không thể nào quên 12 giờ khuya hôm ấy trong bệnh viện Đa khoa Trung ương, trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình, cô siết chặt tay chúng tôi từ biệt cùng nụ cười tin tưởng. Cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, thầy Giao Ngọc Lan không còn nữa, nhưng đối với thầy trò tổ Lịch sử – GDCD thầy cô vẫn mãi sát cánh cùng các thành viên của tổ, cùng bao thế hệ học sinh thắp lửa yêu thương.
sugdcd2
Tổ Lịch sử – GDCD nhân Lễ tổng kết năm học 2008 – 2009
 
Chúng tôi – những thành viên gia đình Lịch sử – GDCD rất đỗi tự hào khi được nhắc đến thầy – anh bộ đội cụ Hồ, người bán bánh bao, người chăn nuôi giỏi, nghệ nhân An Bằng Đung. 17 tuổi anh thanh niên An Bằng Đung xung phong vào quân đội, có mặt ở chiến trường Trung Bộ ác liệt vào những năm 70 thế kỉ XX, đạt nhiều danh hiệu như Huân chương quyết thắng hạng III; Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng II; Huy chương giải phóng hạng II, Huy chương chiến sĩ giải phóng hạng II. Sau hòa bình, anh bộ đội An Bằng Đung chuyển sang công tác trong ngành giáo dục, thi đậu vào trường Đại học Quy Nhơn, nhận bằng Cử nhân triết học và được cử đi học tại trường Nguyễn Ái Quốc. Từ năm 1995 chính thức trở thành giáo viên giảng dạy môn GDCD tại trường THPT chuyên Lý Tự Trọng. Trong hơn 20 năm gắn bó, thầy thật sự là một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tự học, sự cần cù trong lao động, ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Những bài giảng của thầy luôn chinh phục học sinh qua lối giảng mộc mạc, gần gũi nhưng không kém phần thâm thúy, bởi những giá trị, những bài học ấy được chính thầy trải nghiệm, đúc kết qua cuộc đời đầy gian lao của mình. Thầy được xem là người thầy – nghệ nhân có “Bàn tay vàng”, người theo đuổi đam mê không mệt mỏi và thành công bằng tài năng cùng sự lao động nghiêm túc. Nhắc đến thầy, chuyên mục Chuyện tôi kể của VTV Cần Thơ, cũng như bản tin thời sự Đài truyền hình Việt Nam không tiếc lời khen ngợi về những đóng góp to lớn của thầy trong vai trò nhà giáo, nghệ nhân tạc tượng Bác Hồ. Nhiều thế hệ học trò là những thủ khoa, những nghệ nhân trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc, kiến trúc, tạc tượng được “nhào nặn” từ đôi bàn tay tài hoa, sự sáng tạo không ngừng, cùng trái tim nhân hậu của thầy. Thầy đã băn khoăn thật nhiều về một số biểu hiện sa sút đạo đức, lí tưởng sống trong một bộ phận thanh niên, thầy vỡ òa hạnh phúc khi chia sẻ một bài viết của học sinh về lòng yêu nước, thầy chân thành góp ý việc đổi mới phương pháp giảng dạy hướng đến thực tiễn, thầy tâm huyết trong những phát biểu, đề án, phương hướng xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, thầy chân tình trong xây dựng đội ngũ kế thừa, nâng cao chất lượng giáo viên. Với chúng tôi thầy là người Cha, người Anh, người Nghệ sĩ minh chứng cho chân lí “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.
Năm 2015, là năm đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình vươn lên, khẳng định vị thế của trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, là năm kỉ niệm 25 năm sự trưởng thành, phát triển của tổ Lịch sử – GDCD; nhưng với chúng tôi, là năm chất chứa nhiều tâm sự, hụt hẫng, khó khăn khi thầy An Bằng Đung, cô Châu Thị Lớn nghỉ hưu. Chúng tôi chưa thích ứng được với sự thay đổi này. Những buổi sinh hoạt chuyên môn chúng tôi thấy trống vắng khi không còn được nghe thầy cô đóng góp ý kiến, động viên, khen ngợi chúng tôi khi đội tuyển HSG thành công, chúng tôi cũng ít được gặp thầy cô hơn, chúng tôi cũng không còn được nghe thường xuyên câu đố của thầy Huỳnh Văn Sái (giáo viên bộ môn Vật Lí) về ai là giáo viên lớn nhất trường! Cô Châu Thị Lớn, trải bao gian khó trong khói lửa chiến tranh, hơn ai hết, cô trân trọng cuộc sống, yêu quý mọi người, cô nhẹ nhàng quan tâm đến từng thành viên trong gia đình, khi thì hỏi thăm sức khỏe, khi thì tính chuyện thành gia lập thất của đồng nghiệp trẻ, có khi chỉ đơn giản là lời nhắc nhở “tập thể dục đi nghen, mập lên rồi đó”. Sự mộc mạc, bình dị, ấm áp cùng lời dạy của cô sẽ mãi khắc ghi trong chúng tôi: Hạnh phúc giản đơn của người thầy là được học sinh yêu quý.
sugdcd3
Tập thể tổ chia tay thầy An Bằng Đung và cô Châu Thị Lớn về hưu năm 2015.
 
Bước chân vào ngành và gắn bó với gia đình Lịch sử – GDCD từ năm 2002 và 2006, cô Trịnh Thị Mai Hoa (Lịch sử), cô Trần Thị Mai (GDCD) là lực lượng trẻ mang lại sự tươi mới cho gia đình. Nhiệt huyết và tài năng đã được tưởng thưởng xứng đáng bằng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về thành tích bồi dưỡng HSG quốc gia đạt giải của cô Trịnh Thị Mai Hoa. Vì hoàn cảnh gia đình nên cô Hoa đã chuyển công tác về thành phố Hồ Chí Minh, cô Trần Thị Mai chuyển công tác về trường trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ.
Sau 25 năm, với bao thăng trầm hiện nay tổ Lịch sử – GDCD có 07 thành viên: bộ môn Lịch sử có 05 giáo viên: Cô Phạm Thị Bích Thủy, cô Từ Minh Lan, cô Lê Thị Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Nhu Sa, thầy Đoàn Văn Thanh; bộ môn Giáo dục công dân gồm cô Bùi Thị Thắng và thầy Nguyễn Minh Trí. Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Hiền Thúy – cán bộ thư viện kiêm nhiệm giảng dạy môn Lịch sử.
 Chuyển công tác từ trường THPT Nguyễn Việt Dũng (2011), trường THPT Lưu Hữu Phước (2012) cô Từ Minh Lan, cô Phạm Thị Bích Thủy chung tay xây dựng gia đình Lịch sử – GDCD với nhiệt huyết, năng lực chuyên môn vững vàng của mình. Cô Từ Minh Lan là giáo viên duy nhất trong tổ hoàn thành chương trình cao học, lấy bằng thạc sĩ, đam mê nghiên cứu, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học là thế mạnh và cũng là những đóng góp lớn của cô trong gia đình. Cô Phạm Thị Bích Thủy – Nguyên là Tổ trưởng tổ Sử – Địa trường THPT Lưu Hữu Phước, đạt nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Giáo viên giỏi cấp thành phố, nhận nhiều Bằng khen của UBND thành phố trong quá trình công tác; bằng kinh nghiệm quản lí và trình độ chuyên môn vững vàng của mình cô luôn là cố vấn trong mọi hoạt động. Nhưng nhắc đến cô Bích Thủy không thể không nhắc đến sự khéo léo, tỉ mỉ, đức hi sinh trong vai trò của một cán bộ Công đoàn, một người thầy, người vợ, người mẹ. Với sự khéo léo tuyệt vời của mình, trong các hoạt động nấu ăn, cắm hoa, đổ bánh rau câu …Gia đình Lịch sử – GDCD nhiều lần giành được giải Nhất và là tâm điểm của sự chú ý, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nữ công trong nhà trường. Là người vợ, người mẹ, cô hi sinh cả cuộc đời mình chăm sóc chồng bệnh tật, nuôi nấng con cái trưởng thành. Cô còn là tấm gương tiêu biểu trong hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với học sinh chuyên Lịch sử gặp khó khăn thông qua quỹ học bổng Vươn mình sử học.
Góp mặt trong gia đình Lịch sử – GDCD, phụ trách môn Lịch sử là cô giáo Lê Thị Thu Hiền hát hay, múa đẹp, diễn kịch siêu, đồng thời còn là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường năng nổ, nhiệt tình. Bên cạnh đó, cô còn phụ trách CLB Văn – Sử – Địa, không ngừng đa dạng những hoạt động học thuật, rèn luyện kỹ năng thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Sinh năm 1986, tại Bến Tre, cô Nguyễn Thị Nhu Sa – Tổ phó chuyên môn, Tổ trưởng công đoàn, là “Má Sa” yêu quý của tập thể học sinh chuyên Lịch sử. Bên cạnh đó, cô còn là Chi ủy viên, chi bộ Khoa học xã hội, nhiều năm liền là Phó Bí thư chi đoàn giáo viên, tích cực trong mọi hoạt động công tác. Thầy Đoàn Văn Thanh – Tổ trưởng chuyên môn, ngoài giải Ba cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, thầy từng vinh dự là một trong ba giáo viên trung học phổ thông cả nước được chọn tham gia giảng dạy môn Lịch sử tại Mỹ trong chương trình Nâng cao năng lực và phát triển thành tích giảng dạy (TEA) do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ; là một trong những thành viên tiêu biểu trong nhà trường về công tác Hiến máu tình nguyện được Công đoàn ngành giáo dục thành phố Cần Thơ và Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam viết bài biểu dương. Gắn bó với gia đình từ năm 2007, 2008, nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong công tác, thầy Văn Thanh, cô Nhu Sa đã góp nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG các cấp, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố, Giáo viên giỏi cấp thành phố, Bằng khen UBND thành phố, tô điểm thêm thành tích cho gia đình Lịch sử – GDCD.
Hiện tại trong gia đình, môn GDCD do hai giáo viên đảm nhận: cô Bùi Thị Thắng, công tác từ năm 2005, thầy Nguyễn Minh Trí từ năm 2014. Bằng sự nỗ lực không ngừng, cô Thắng luôn xứng đáng với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, và thành tích bồi dưỡng HSG cấp thành phố; Sinh năm 1991, thầy Nguyễn Minh Trí, tốt nghiệp ngành Sư phạm GDCD tại trường Đại học Cần Thơ là thành viên út nhất trong gia đình; với tinh thần trách nhiệm cao, tháo vát, thầy Trí luôn xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của gia đình trong phát triển bộ môn GDCD lên tầm cao mới.
sugdcd4
Tổ Lịch sử – GDCD năm học 2015 – 2016
 
Trải 25 năm, tổ Lịch sử – GDCD thật sự là một mái ấm, nơi ươm mầm hạnh phúc, gắn kết yêu thương và chắp cánh ước mơ thế hệ trẻ. Khi nhắc đến gia đình mình, chúng tôi tự hào về những đứa con ngoan, tài năng, hiếu thảo: là Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Thị Phương Thảo, Nguyễn Việt Thùy Uyên với những giải II HSG cấp quốc gia đầu tiên, là những giải III HSG quốc gia của học sinh Đinh Thị Phương Hà (hiện tại là Giáo viên môn Ngữ văn của trường THPT chuyên Lý Tự Trọng), Trần Đức Thọ, Nguyễn Thị Minh Huệ, Lê Phạm Hoàng Oanh, Lê Ngọc Thảo, Đặng Ngọc Trâm, Nguyễn Quốc Thụy Lan Anh, là 2 giải III quốc gia đầu tiên của em Nguyễn Trương Phương Thảo, Huỳnh Thị Hồng Loan trong cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức, là điểm 10 duy nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015 môn Lịch sử của học sinh Trần Phước Thiện và còn rất nhiều những học sinh – những người con đã vun bồi thành tích gia đình và nhà trường trong kì thi HSG quốc gia, HSG Olympic truyền thống 30.4, HSG Đồng bằng sông Cửu Long, HSG thành phố…
Khi nhắc đến gia đình, chúng tôi nhớ về những bữa tiệc lẩu chay, những buổi ăn chè, ăn kem, những bữa ăn uống đầm ấm tại nhà cô Thủy, nhà trọ cô Sa, cô Hiền, thầy Thanh; là những tháng ngày thầy – trò vật lộn với các kỳ thi học sinh giỏi, là mớ xoài đột xuất của cô Lê Thị Hồng Đào (Chuyên viên Sở giáo dục) cho đội tuyển HSG quốc gia, là đôi giày đẹp, chiếc quần tây giúp cậu học trò nghèo vào đại học, là vài trăm ngàn đồng nhét vội giúp cô học trò mua thuốc cho ngoại, là chiếc áo cũ, vài quyển tập trắng nâng bước em đến trường, là nải chuối, cân thịt lúc đồng nghiệp ốm đau… Nhắc đến gia đình, chúng tôi tự hào và mãi yêu thương về những sẻ chia của những đứa con ngoan: “Nếu ai đó hỏi tôi về kí ức đẹp nhất thời học sinh, chắc có lẽ “Mái Nhà Lịch Sử” chính là vùng trời ký ức tuyệt vời nhất. Dưới mái nhà “đơn sơ” này, nơi mà tôi tìm được đam mê của mình, nơi cho tôi biết thương yêu và trân trọng tình thầy trò quý giá, nơi dạy tôi biết thế nào là tình bạn, tình anh em, và quan trọng nhất, là nơi tôi biết mình luôn thuộc về. Cảm ơn thầy cô Lịch sử – GDCD, cảm ơn các bạn cùng môn chuyên, các anh chị đi trước, các em nhỏ lớp sau đã giúp cho tôi có một kỷ niệm đẹp, để tôi mãi cất giữ và khắc ghi trong trái tim này” (HS Đặng Ngọc Trâm – niên khóa 2011 – 2014).
Trải 25 năm với nhiều thăng trầm, tài sản quý giá nhất của gia đình không phải là những thành tích của thầy, trò, cũng chẳng phải là những nụ cười lúc thành công, mà tài sản quý giá nhất gia đình có được chính là những giọt nước mắt: nước mắt mất mát người thân, nhắc nhở chúng tôi hãy yêu thương gia đình thật nhiều; nước mắt thất bại, nhắc nhở mỗi thành viên luôn phấn đấu tiến về phía trước, nước mắt chia tay, nhắc nhở chúng tôi luôn vững bước vào đời; nước mắt hạnh phúc của gia đình khi lâu ngày đoàn tụ nhắc nhở chúng tôi luôn quan tâm nhau. Những giọt nước mắt ấy mãi đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc sống, để dựng xây nên
MÁI NHÀ YÊU THƯƠNG: LỊCH SỬ – GDCD./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây