Các thành viên của tổ có tuổi đời khá trẻ và có tâm huyết trong công tác, có thể đó là thuận lợi để chất lượng giảng dạy của tổ được cải thiện đáng kể qua từng năm học.
Thầy NGUYỄN HOÀNG PHỦ
(Tổ trưởng tổ Pháp – Hoa)
Thấm thoát vậy mà đã 12 năm kể từ ngày thành lập Tổ (2003 – 2015). Thời gian trôi thật nhanh khi ta có nhiều việc phải làm nhưng chỉ với bao nhiêu thời gian ấy thôi cũng đã để lại trong mỗi thành viên Tổ Pháp – Hoa chúng tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm, nhất là sự đoàn kết chung tay trong các hoạt động của trường, của Tổ, sự sẻ chia, trăn trở, buồn vui trước và sau những kì thi quan trọng của các thế hệ học sinh yêu mến.
So với các tổ chuyên môn khác trong trường, thì tổ chuyên môn Pháp – Hoa là tổ có “bề dày lịch sử” và số lượng thành viên khá khiêm tốn. Trước năm 2003, 04 thành viên giảng dạy tiếng Pháp gồm cô Nguyễn Thị Thùy Lan, cô Phạm Thị Hồng Diễm, thầy Nguyễn Thanh Tú và thầy Nguyễn Hoàng Phủ vẫn cùng sinh hoạt chuyên môn trong Tổ ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp). Đến năm 2003, do yêu cầu phát triển môn chuyên tiếng Pháp, Ban Giám hiệu đã quyết định thành lập tổ Tiếng Pháp. Vào thời điểm đó, tổ chỉ vỏn vẹn có 5 người : 04 giáo viên dạy tiếng Pháp (cô Nguyễn Thị Thùy Lan, cô Phạm Thị Hồng Diễm, thầy Nguyễn Thanh Tú và thầy Nguyễn Hoàng Phủ) và 01 giáo viên dạy tiếng Anh (cô Nguyễn Thị Huyền) đặc trách giảng dạy tiếng Anh ngoại ngữ 2 cho các em học sinh tiếng Pháp song ngữ lộ trình A. Năm 2004, tổ có một sự thay đổi về nhân sự, tổ tiếp nhận thầy Huỳnh Minh Tâm, giáo viên dạy tiếng Trung; cô Nguyễn Thị Huyền nhận công tác tổ Văn Phòng, từ đó, tổ đổi tên thành tổ Pháp – Hoa cho đến ngày nay. Năm 2012, tổ có thêm thành viên mới, cô Nguyễn Thị Hậu Tuyền, giáo viên tiếng Pháp thuyên chuyển từ trường THPT Trung An về. Tháng 10 năm 2014, tổ tiếp tục đón nhận cô Trương Bích Hảo… hiện nay chúng tôi có tất cả 07 thành viên.
Tập thể giáo viên tổ Pháp – Hoa năm học 2015 – 2016
Về nhiệm vụ, các thành viên của Tổ đảm nhận giảng dạy các chương trình như sau: chương trình tiếng Pháp ngoại ngữ 1 (chương trình này đã chấm dứt từ năm 2008, do số lượng học sinh theo học chương trình này ngày càng ít), chương trình tiếng Pháp ngoại ngữ 2, chương trình tiếng Hoa ngoại ngữ 2, chương trình tiếng Pháp song ngữ lộ trình A và chương trình tiếng Pháp chuyên.
Học sinh tiếng Pháp của trường là học sinh được xét tuyển từ những học sinh học tiếng Pháp song ngữ lộ trình A, có điểm trung bình tốt nghiệp học lực song ngữ (Tiếng Pháp + Toán bằng tiếng Pháp) ở cấp THCS từ 5 điểm trở lên. Do đó sức học môn tiếng Pháp của các em không đồng đều trong cùng một lớp. Trong số các học sinh này, những em nào vượt qua được kì kiểm tra đầu vào lớp 10 môn tiếng Pháp sẽ tham gia học các giờ chuyên môn tiếng Pháp.
Trong quá trình công tác, Tổ nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn như sau :
+ Thuận lợi :
Được Ban Giám Hiệu tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động chuyên môn.
Các thành viên trong tổ có tuổi đời khá trẻ, có trình độ chuyên môn khá vững vàng, có tâm huyết và có tinh thần đoàn kết, tương trợ tốt, nhiệt tình và nghiêm túc trong công tác.
+ Khó khăn :
Chất lượng đầu vào của học sinh tiếng Pháp còn chưa được như mong muốn, nhất là đối với chương trình tiếng Pháp chuyên.
Thời khoá biểu của học sinh các lớp song ngữ theo chương trình của Bộ có quá nhiều giờ nên khi tham gia học chuyên, học bồi dưỡng các em có cảm giác quá tải do đó hiệu quả còn bị hạn chế.
Do thời khóa biểu của học sinh có quá nhiều giờ, nên có nhiều khó khăn trong việc dạy bồi dưỡng tăng tiết.
Một số học sinh lớp 11 và 12 không còn thiết tha lắm với việc học môn chuyên vì phải đầu tư cho các môn thi đại học do đó, chất lượng học chuyên chưa cao.
Tuy là có những khó khăn nhất định, chúng tôi vẫn kiên trì đề ra những biện pháp nhằm cải thiện chất lượng dạy và học của tổ. Điển hình là việc phân công theo hướng chuyên môn hóa kỹ năng trong công tác dạy chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp. Nghĩa là, đối với công tác dạy chuyên và bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, phân công cho mỗi giáo viên phụ trách nghiên cứu tài liệu chuyên sâu về một hoặc hai kỹ năng ngôn ngữ phù hợp với sở trường và đam mê của từng giáo viên, nhằm giúp giáo viên có thời gian nghiên cứu tài liệu để phát triển có hiệu quả kỹ năng ngôn ngữ mà mình đảm nhiệm giảng dạy. Đối với chương trình tiếng Pháp song ngữ lộ trình A, chúng tôi mạnh dạn đổi mới theo hướng soạn giảng theo chủ đề, trên cơ sở chương trình của Bộ Giáo Dục quy định, chúng tôi xây dựng chương trình theo chủ đề với đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu, diễn đạt viết, kiến thức ngôn ngữ xoay quanh từng chủ đề đó. Cách làm này giúp học sinh học tập tập trung hơn và có cơ hội rèn luyện nhiều hơn các kỹ năng ngôn ngữ trong từng chủ đề học tập.
Từ cách làm như trên, qua nhiều năm giảng dạy chúng tôi cũng đã có được những thành công nhất định. Tuy là không quy mô về số lượng, nhưng chất lượng thì khá tốt.
31 Giải học sinh giỏi lý thuyết cấp quốc gia môn tiếng Pháp, trong đó có 02 giải nhất, 07 giải nhì, 08 giải ba và 14 giải khuyến khích.
26 huy chương học sinh giỏi Olympic 30/04 môn tiếng Pháp, trong đó có 05 huy chương vàng, một lần nhất vàng và nhất đồng đội, 12 huy chương bạc, 09 huy chương đồng.
18 giải cuộc thi Hùng biện bằng tiếng Pháp khu vực ĐBSCL, trong đó 05 giải nhất, 04 giải nhì, 04 giải ba và 07 giải khuyến khích.
Thi viết bằng tiếng Pháp khu vực phía nam : 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải KK.
Năm học 2014 – 2015 vừa qua, em Huỳnh Hữu Thanh Trà đã đạt giải nhất trong kì thi HSG cấp quốc gia môn tiếng Pháp – góp phần quan trọng đưa trường chuyên Lý Tự Trọng nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung vươn lên vị trí dẫn đầu về thành tích đào tạo học sinh giỏi của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, trong năm học vừa qua, ở bộ môn tiếng Pháp, cả nước chỉ có 02 giải nhất.
Tính từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, trung bình có 3 học sinh tiếng Pháp song ngữ của Tổ du học tại Pháp. Hiện nay, có nhiều em đã đi làm và thành đạt tại Pháp, góp phần giúp đỡ rất nhiều các em đi du học tại Pháp các thế hệ kế tiếp.
Các thành viên của tổ có tuổi đời khá trẻ và có tâm huyết trong công tác, có thể đó là thuận lợi để chất lượng giảng dạy của tổ được cải thiện đáng kể qua từng năm học. Bên cạnh đó, các thành viên đều có ý thức tốt trong tự học để nâng cao trình độ. Hiện nay, tổ có 04 giáo viên đã đạt trình độ thạc sĩ và 02 giáo viên đang theo học chương trình thạc sĩ. Tổ luôn tích cực tham gia công tác của trường, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh thông qua Câu lạc bộ. Vì mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ luôn mong có được những trao đổi về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy với các đồng nghiệp cùng bộ môn trong và ngoài thành phố Cần Thơ./.