THIÊNG LIÊNG CỘT MỐC CHỦ QUYỀN
Điểm đến trong chuyến đi thực tế đầu tiên của chúng tôi là Đất Mũi. Là học sinh trường THPT chuyên của thành phố trung tâm vùng đồng bằng mà không biết đến cột mốc cực Nam của Tổ quốc là một điều đáng tiếc. Xe khởi hành vào lúc 4 giờ sáng nhưng không thể ngăn nổi sự háo hức và mong chờ cho chuyến đi đầu tiên dưới màu áo chuyên Hóa. Các bạn đã có mặt đông và đúng giờ. Xe lăn bán trong bầu không khí sôi động, sung sức của tuổi trẻ. Băng qua những cung đường dài, chúng tôi xúc động thật sự bởi khung cảnh quê hương sao mà thật nên thơ và đẹp quá. Tiếng hát sôi động của tuổi trẻ, những trò chơi tập thể xóa đi rào cản, chẳng mấy chốc mọi người đã cùng thân thiết, hòa đồng và quên đi mệt mỏi.
Bữa ăn sáng ở Bạc Liêu đã tiếp thêm năng lượng cho cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình dài về Đất Mũi. Thật xúc động khi tất cả dừng chân ở điểm cực Nam của Tổ Quốc giữa màu xanh của biển và rừng. Đất Mũi thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách thành phố Cà Mau hơn 100km.
|
|
Rừng ngập mặn |
Cột cờ nơi tận cùng Tổ quốc |
Bên trái là biển Đông, bên phải là vịnh Thái Lan. Trong lòng chúng tôi dâng lên cảm xúc bồi hồi xen lẫn niềm tự hào khi được đứng bên cột mốc cuối cùng ở phía nam của Tổ Quốc, nơi ghi dấu bao nhiêu chiến tích anh hùng của dân tộc. Mũi Cà Mau vừa được sửa sang, tôn tạo lại, biểu tượng con tàu năm xưa được di dời đến vị trí mới để nhường chỗ cho các công trình khác như biểu tượng cột cờ Hà Nội, đền thờ Lạc Long Quân và mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh...
Mũi Cà Mau thật sự đã khoác lên mình một tấm áo mới so với trước đây, qua lời người thuyết minh, chúng tôi đã biết thêm nhiều điều thú vị: Mũi Cà Mau xưa nay được biết đến là vùng “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” do đây là vùng có rất nhiều cây mắm và cây đước. Cây mắm thường mọc trên đất bồi, rễ đâm ngược lên để giữ đất, tiếp đến là đước và những cây trong rừng ngập mặn khác như sú, vẹt, kết hợp với hoạt động phù sa nên việc lấn biển diễn ra rất nhanh. Do nằm trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau nên khi tham quan, chúng tôi như đang hòa mình vào thiên nhiên vậy. Khu di tích còn rất nhiều điểm tham quan khác và đều được chúng tôi khám phá hết. Và vừa hay, lúc chúng tôi xuống tới Cà Mau cũng là lúc đang diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần, ai cũng tranh thủ quan sát và ghi nhận hiện tượng thú vị này.
HÓA HỌC VÀ NHỮNG ỨNG DỤNG THỰC TẾ TUYỆT VỜI
Ngày thứ hai ở Cà Mau, chúng tôi đi tham quan nhà máy khí điện đạm Cà Mau và nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ai cũng mong chờ cho lần tham quan này vì có rất nhiều kiến thức chuyên môn Hóa học được ứng dụng. Tại nhà máy khí điện đạm Cà Mau, chúng tôi được nghe anh Nguyễn Ngọc Bửu, Phó ban Tổ chức nhân sự nhà máy chia sẻ ở góc độ nhà tuyển dụng. Những chia sẻ của anh đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cách thức tuyển dụng, giúp chúng tôi hiểu rõ bản thân mình đang cần gì và thiếu gì để có phương hướng phát triển đúng đắn cũng như làm thế nào để đóng góp kiến thức của mình cho sự phát triển của xã hội.
Nhân dịp này, cô Nguyễn Thị Anh Lương, Trưởng bộ môn Hóa học, thay mặt tập thể khối chuyên Hóa tặng nhà máy bức tranh lưu niệm mua ủng hộ quỹ “Áo ấm cho trẻ em vùng cao”.
|
|
Đặt câu hỏi tìm hiểu về nhà máy |
Trao quà lưu niệm cho nhà máy |
Tại đây, chúng tôi được gặp một bất ngờ lớn là được gặp anh Nguyễn Trường Giang ở phòng điều độ sản xuất. Anh là một học sinh chuyên Hóa học của trường khóa 2005-2007 và là khóa đầu tiên mà cô Lương là giảng dạy và là giáo viên chủ nhiệm. Ai cũng “ồ” lên một tiếng thật to kèm theo tràng pháo tay. Anh là một nhân sự rất quan trọng và cần mẫn của công ty, luôn đưa ra các sang kiến hữu ích, được mọi người quý mến và ban lãnh đạo đánh giá rất cao khiến chúng tôi cũng tự hào lây về “sư huynh” của mình khi được thấy những thành tựu của người anh đi trước. Chúng tôi lại được anh Trần Nguyễn Đăng Khoa và anh Lê Văn Nguyễn tiếp tục chương trình bằng việc chia sẻ quy trình sản xuất phân bón, năng suất của nhà máy đạm Cà Mau cũng như những cột mốc quan trọng mà công ty đã đạt được. Những điều hai anh chia sẻ đều là những kiến thức rất gần gũi mà chúng tôi đã được học qua trong chương trình. Không ai giấu được bất ngờ bởi các kiến thức ấy lại có nhiều ứng dụng như vậy, những phản ứng hóa học đơn giản kết hợp cùng các nguyên lí phản ứng đã cho ra đời rất những sản phẩm phân bón giúp ích rất nhiều cho người dân. Các sản phẩm của nhà máy như phân N-Humane +TE, phân đạm N46.PLUS là cứu tinh của những người nông dân. Chuyến tham quan tiếp tục khi chúng tôi cùng nhau đi tới nhà máy sản xuất phân bón, cảng giao dịch và phòng điều khiển. Trong đó ấn tượng nhất có lẽ là phòng điều khiển với những trang thiết bị hiện đại và dàn máy móc tinh vi. Mọi người đều rất tập trung vào công việc của mình, không ai có thái độ chủ quan vì hẳn họ đều ý thức được rằng những mắt xích sản xuất dù chỉ sai sót một khâu cũng sẽ làm ảnh hưởng đến cả quá trình sản xuất. Ở đây, các anh lại tiếp tục chia sẻ cho chúng tôi về những câu chuyện của bản thân, quá trình làm việc lâu dài và những kĩ năng cần có khi muốn làm việc không chỉ ở Đạm Cà Mau mà còn những công ty khác. Anh Khoa nói: “Trước khi được vào trong phòng kĩ thuật làm việc như thế này, bọn anh đã phải dầm mưa dãi nắng ở ngoài nhà máy hơn 1,2 năm. Tụi anh còn phải học để nâng cao trình độ, luyện tiếng Anh để nâng cao trình độ giao tiếp cũng như tìm đọc các tài liệu nước ngoài. Điều các em cần chính là sự nhiệt huyết cùng niềm đam mê học hỏi, không ngừng nâng cao trình độ bản thân để cải thiện chất lượng và hiệu quả công việc”. Những câu nói của anh chính là bài học kinh nghiệm quý giá, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi làm tốt hơn trên con đường học tập của bản thân.
|
|
Gặp gỡ cựu học sinh chuyên Hóa |
Kỹ sư của nhà máy thuyết trình |
Sau buổi tham quan, chúng tôi được cô Anh Lương và ban lãnh đạo nhà máy tạo điều kiện để tham gia buổi ăn tập thể cùng với các nhân viên khác của nhà máy. Cô chia sẻ về việc này: “Việc ăn trưa cùng nhân viên nhà máy sẽ giúp học sinh học tập tác phong công nghiệp, điều rất cần thiết trong xã hội hiện đại”. Quả đúng vậy, những học sinh như chúng tôi lần đầu được ăn cơm phần, mỗi người đều phải xếp hàng ngay ngắn và trật tự để chờ đến lượt mình lấy phần ăn. Mặc dù ban đầu có chút lúng túng nhưng không lâu sau đó chúng tôi đã quen và bắt đầu bữa ăn. Vì là bữa ăn tập thể nên chúng tôi phải giữ trật tự, lấy cơm thật nhanh để không làm ảnh hưởng những người phía sau. Ăn xong, mọi người tự giác dọn dẹp và xếp ghế dù đôi lúc các thầy cô vẫn còn phải nhắc nhở trật tự hay các bạn còn bỏ phí đồ ăn.
|
|
Phòng điều khiển trung tâm |
Ăn trưa cùng CB-CNV nhà máy |
Qua một quãng đường dài, chúng tôi đã đến Bạc Liêu. Đoàn trải nghiệm bị ấn tượng mạnh bởi những chiếc cối xay gió khổng lồ trải dài trên một khu vực rộng lớn. Những chiếc cối xay này làm tôi nhớ lại câu chuyện về chàng kị sĩ Đôn-ki-hô-tê ngốc nghếch ngày nào. Nhưng “cối xay gió” ở Bạc Liêu không để… “chém gió” là là một giải pháp thay thế tuyệt vời cho năng lượng hóa thạch vì điện gió vừa tạo ra nguồn năng lượng vô tận vừa thân thiện với môi trường khi không thải ra các khí thải
độc hại như CO
2, CO, giảm thiểu việc tăng nhiệt độ toàn cầu và tạo ra hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng là nơi có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió. Và nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng là điểm đến cuối cùng của chúng tôi trong chuyến đi.
Cánh tay điện gió
Chuyến đi khép lại khi trời đã sập tối. Lúc này, mọi người cũng đã thấm mệt. Những đây chính là những giây phút trầm lắng, cho chúng tôi suy ngẫm về hành trình đã qua. Chắc hẳn ai cũng đã cảm nhận được tình yêu thương của các thầy cô qua từng bữa ăn, giấc ngủ. Các thầy cô luôn cố gắng đảm bảo cho bữa ăn của chúng tôi đa dạng nhất có thể, kiểm tra từng phòng trước khi ngủ để đảm bảo học sinh đã đầy đủ và có một giấc ngủ ngon nhất. Màu áo xanh dạ quang của khối chuyên chúng tôi cũng là một điểm nhấn nổi bật. Cô Anh Lương từng nói đùa rằng: “Khối chuyên Hóa mà đi chơi chung là không bao giờ bị lạc vì màu áo nổi quá mà”. Hai ngày, chúng tôi cùng nhau vượt qua hàng trăm km, chia sẻ những điều thú vị, những bữa ăn chung, cùng vui chơi, ca hát để từ đó xiết chặt hơn tình cảm của khối chuyên, đoàn kết với nhau hơn trong học tập, sinh hoạt.
Bữa cơm tối ngon lành với các món khoái khẩu
Cuộc hành trình dài này đã cho tôi rất nhiều bài học quý giá mà hẳn không thể nào chúng tôi có thể học chỉ qua sách vở. Càng qua những kỉ niệm, tôi lại càng thêm yêu màu áo này. Được trở thành một phần trong đại gia đình chuyên Hóa Lý Tự Trọng là ước mơ và niềm tự hào của tất cả thành viên. Đây sẽ là những trải nghiệm quý giá theo chân tôi qua suốt quãng đường học tập và làm việc sau này.
Nguyễn Vũ Gia Hưng -10A4